Vì sao chưa công bố vụ thanh tra Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái?
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt
Cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (UBTP), một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Nổi lên là việc trong năm 2017 số lượng bản kê khai tài sản của cán bộ là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%) và kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước.
Từ phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý; việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý, thậm chí phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
UBTP cũng nêu lên thực trạng ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra; một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động gây tai tiếng cho bộ máy do tham nhũng, "lợi ích nhóm".
"Một số cán bộ, công chức còn có dấu hiệu tiếp tay, bảo kê cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, tình trạng "lợi ích nhóm", "sân sau" mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được đưa ra xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy những nghi ngờ của dư luận cử tri là có căn cứ" – báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Trước tình hình trên, UBTP kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.
Đặc biệt, UBTP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng.
"Đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ"
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt bày tỏ quan điểm đồng ý với các báo cáo và chia sẻ với các cơ quan thực thi pháp luật. “Khối này đã đóng góp vào sự ổn định phát triển đất nước rất lớn”, ông Việt nói và cho rằng “không thể vì vụ này, vụ kia mà phủ nhận công lao của anh em thực thi pháp luật”.
Bên cạnh những điều đáng ghi nhận, hoan nghênh, ông Việt thẳng thắn nêu ra những điều chưa đạt: “Mình làm như thế nhưng đơn thư khiếu nại, tố cáo còn nhiều quá. Mà đơn thư vòng vo thì khổ dân, bao nhiêu vụ ách tắc, nhưng lên trên này thì đẩy xuống, dưới thì dừng lại không giải quyết. Đây là vấn đề nhân dân còn nhiều bức xúc”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh lưu ý.
Ông Việt cũng nói đến việc “đại gia, đại ca làm hư hỏng cán bộ, làm méo mó các quan hệ đạo đức xã hội, thậm chí vi phạm pháp luật còn khá phổ biến. Nhưng những đối tượng này vẫn đứng ngoài vòng pháp luật".
Theo ông Việt, đây là những đối tượng ít người nhắc đến, ít báo cáo nói đến, nhưng trong dư luận xã hội còn nặng nề. Vấn đề đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức ở khối thực thi pháp luật cũng cần phải củng cố thêm, bởi theo ông Việt “9, 10 việc tốt nhưng chỉ một vài việc không tốt thì nhân dân mất niềm tin”.
Theo N. Huyền (Infonet)